GẤU MẸ TẠI PHIÊN TÒA

Nổi bật

[A MOTHER BEAR IN COURT]

Pam Bostwick

— Lan Anh dịch —

***

Chỉ có hai tài sản  vĩnh cửu mà chúng ta  hi vọng để lại cho các con

Một là cội rễ; hai là đôi cánh

~Hodding Carter~

***

Một ngày tháng Ba u ám, thế giới của tôi sụp đổ.

Giấy triệu tập của cảnh sát gửi đến tận nhà. Do thị lực của tôi rất kém nên tôi phải nhờ một người bạn đọc dùm thông báo – chồng cũ của tôi muốn trông nom hai đứa con trai sinh đôi, Jason và Jeremy. Tôi như tê liệt vì hoài nghi, tự hỏi chuyện như thế này sao lại có thể xảy ra. Tôi đã muốn mối quan hệ với chồng cũ thật hòa thuận chỉ vì lợi ích của bọn trẻ. Tôi đi tới đi lui rồi bật khóc. Làm sao hai đứa con trai mười tuổi của chúng tôi có thể vượt qua những chuyện như thế này? Tôi phải kềm chế cảm xúc của mình. Bọn trẻ sẽ tan học ngay thôi. Nhưng tôi sẽ nói cho chúng nghe tin mới nhận như thế nào đây?

Suốt buổi tối, đầu tôi rất đau vì phải cố nén nước mắt. Tôi ráng tìm cách nào đó để đề cập chuyện này với các con. Cuối cùng, tôi ngồi bên mép giường đôi của chúng, giữ cho giọng nói bình tĩnh rồi đi thẳng vào vấn đề.

“Ba muốn đón hai con về ở chung.”

“Mẹ, con thích ở đây,” Jason lên tiếng. “Con có bạn và con muốn ở với Mẹ.”

“Con không ngại đi thăm Ba, nhưng con không muốn sống với Ba.” Jeremy nói thêm.

Ben, con trai lớn của tôi bước vào và lắng nghe câu chuyện. “Một người bạn của anh cũng đã từng trải qua chuyện này. Ra tòa mất rất nghiều thời gian,” nó nói. “Nhưng khi hai đứa lớn hơn – như anh chẳng hạn – hai đứa có thể tự quyết định mình muốn sống ở đâu.”

“Ba cũng sẽ đến tòa hả Mẹ?” Jeremy hỏi.

“Ừm,” tôi ngập ngừng trả lời.

“Mẹ sẽ không bỏ tụi con chứ…Mẹ?” đến lượt Jason hỏi.

Giọng nói van nài của Jason như xé nát trái tim tôi. Những cơn rùng mình cứ chạy dọc sống lưng. “Tất nhiên, Mẹ sẽ không bao giờ rời bỏ các con.” Rồi tôi hôn bọn trẻ. “Chúng ta sẽ tìm ra cách kết thúc việc này thôi.”

Ước gì tôi cũng tự tin như những lời tôi đã nói.

Chúng tôi tiếp tục cuộc sống hằng ngày, vờ như không có chuyện gì xảy ra. Mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi những lá thư lại tiếp tục được gửi đến.

Một buổi chiều nọ, khi hai đứa từ trường về, chúng lại cãi nhau lúc đẩy mạnh cửa vào nhà.

“Anh không thích phân loại thư. Jeremy, đến lượt em mà.”

“Em làm hôm qua rồi. Đến lượt anh thì có.”

Jason miễn cưỡng nhặt chồng thư lên và giở ra xem. Nó rên rỉ. “Ôi, Mẹ ơi, lại một lá thư vừa to vừa dày từ tòa án nữa nè. Hình như mỗi ngày chúng ta lại nhận một lá thư như vậy hay sao ấy. Con ghét đi học về là phải đọc cái thứ vớ vẩn này về Mẹ.”

Cảm giác tội lỗi nhói lên trong lòng, các con tôi sao lại phải hứng chịu vết thương như thế này chỉ vì tôi không thể tự mình đọc những tờ thông báo. Trẻ con  lẽ ra không nên chịu tổn thương từ cuộc chiến giữa cha mẹ chúng, một cơn ác mộng mà phải mất cả hai năm rưỡi để giải quyết. Nguyên nhân xuất phát từ việc tôi không xin xỏ bất cứ thứ gì, tôi chỉ đấu tranh cho bọn trẻ và cho những mong muốn của chúng.

Jason đọc cái gì đó một mình. “Mẹ, đây là cái thứ đáng vứt đi. Luật sư bảo rằng Ba đang cố gắng tách tụi con ra khỏi Mẹ vì Mẹ bị mù và không có khả năng làm mẹ.” Nó vòng tay ôm tôi, “Mẹ ơi, Mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất. Mẹ cho tụi con mọi thứ và làm việc cực khổ cũng vì tụi con. Con yêu Mẹ.”

“Ba không thể mang tụi con đi chỉ vì mắt Mẹ kém. Mẹ đã chăm sóc tụi con thật tuyệt vời.”

Tôi nghĩ về những lời nói của hai đứa nhỏ trong lúc giúp chúng làm bài tập về nhà. Tôi cần phải tin tưởng các con mình.

Lát sau, tôi nghe tiếng chúng chơi đùa vui vẻ ngoài sân. Tôi đi lòng vòng trong phòng khách gọn gàng, gấp mớ quần áo của chúng vừa được giặt sạch sẽ, thơm mát và ngửi mùi thịt bò đang nấu trong lò vi ba. Một cảm giác ấm áp khi tôi nhìn những bức ảnh hai đứa con sinh đôi của mình, những bức ảnh mà tôi có thể thấy được nếu đưa gần sát mắt. Tôi sẽ chứng minh khả năng làm mẹ một cách thành công trước tòa. Tôi sẽ tiếp tục cho bọn trẻ mọi thứ tôi có. Tôi sẽ không để bất cứ ai làm tôi gục ngã hoặc khiến tôi mang cảm giác bất tài. Tôi kiên quyết.

Lần đầu tiên cho bọn trẻ đi thăm Ba chúng sau khi cuộc chiến bắt đầu khiến tôi gần như suy sụp. Buổi tối trước ngày chúng đi, tôi nhảy lên tấm bạt lò xo, chơi crocket và bóng chày với chúng. Tôi thật cảm ơn một bên mắt đã giúp tôi có thể nhìn thấy chút ít. Tôi muốn khắc sâu hình ảnh các con vào tâm trí. Tôi lo sợ phải để các con đến nhà Ba của chúng, sợ các con sẽ không quay về.

Tôi cố gắng can đảm khi ôm hai đứa thật chặt trước lúc lên máy bay. Cổ họng tôi đau buốt vì ngăn không cho nước mắt rơi.

“Các chàng trai của mẹ, cẩn thận nhé – Mẹ sẽ rất nhớ các con”, tôi thì thầm.

“Mẹ, tụi con sẽ ngoan,” Jeremay cam đoan một lần nữa. “Và tụi con sẽ về nhà sớm.” Jason nói thêm.

Trở về nhà, ngồi trong phòng của bọn trẻ, tôi giữ chặt cái nón bóng chày và khóc. Tôi ôm những quyển sổ có hình chúng lúc nhỏ. Giá như tôi có thể quay ngược thời gian về lại khoảnh khắc tôi đung đưa chúng trong vòng tay. Tôi mỉm cười khi nhớ lại cách duy nhất để nhận ra chúng khi còn là em bé là vuốt đầu chúng. Một đứa có tóc, còn đứa kia thì không. Tôi chạm vào chiếc cúp bóng đá và dải băng “Vận động viên bơi lội xuất sắc nhất” của Jason. Tôi sờ lên giấy khen của Jeremy và chiếc xe hơi mô hình bằng gỗ thông mà nó đoạt giải. Lòng tôi tràn ngập niềm tự hào.

Một tuần sau, tôi chào đón bọn trẻ về nhà bằng một cái ôm dài, một dĩa bánh quy với sữa và một tấm biểu ngữ to. Khi chúng tôi ngồi ăn bánh, hai đứa kể về chuyến đi của chúng.

“Tụi con vui lắm.” Jason nói. Rồi nó lo lắng thú nhận, “Mẹ ơi, Ba nói một ngày nào đó tụi con sẽ về ở với Ba.”

“Con không muốn đi!” Jeremy chạy ra khỏi bàn ăn và đóng sầm cửa.

“Con ra ngoài đánh banh đây.” Jason quay đầu ra ngoài sân.

Tôi thở dài. Điều duy nhất tôi có thể làm là ở đó vì các con và là khoảng trời bình yên mỗi khi chúng trở về. Tôi sẽ không bao giờ được cổ vũ cho các con trong các sự kiện thể thao, tổ chức tiệc sinh nhật hoặc tham dự buổi họp phụ huynh lần nào nữa – nếu đây là lần cuối cùng chúng tôi ở bên nhau. Tôi sẽ hạnh phúc được chơi bóng rổ và chui vào giường ngủ cùng các con, vì tôi không biết liệu mình có đánh mất những phút giây quý giá với chúng hay không.

Ký ức ùa về trong tôi: Jason là đứa ném còn Jeremy là đứa chụp bóng trong cùng một trận đấu. Tôi đã không thể nhìn thấy chúng trên sân bóng, thế nhưng sự suy giảm thị lực chẳng thể ngăn tôi hò hét to nhất sau khi nghe người khác thuật lại diễn biến trận đấu. Tôi nhớ cái lần ba mẹ con cùng ngủ dưới những vì sao, nhớ những thời điểm quan trọng nghe tin con chiến thắng , cùng chơi trò Red Rover [*] với các con và lũ bạn của chúng. Những ký ức cứ nhiều thêm, nhiều thêm nữa. Tôi sẽ trân trọng tất cả và sẽ tận dụng từng giây phút bên các con.

Ngày ra tòa rồi cũng đến. Tôi sẽ theo đuổi đến cùng – nhưng tôi cũng rất lo sợ kết quả.

Khi đến lượt mình, tôi đi đến ghế nhân chứng cùng với lòng quyết tâm. Ngón tay tôi bấu chặt lòng bàn tay. Không ai biết mạch tôi đập nhanh như thế nào, dạ dày tôi thắt lại như thế nào. Tôi phải hít thở chầm chậm và lặp đi lặp lại, “Mày đang đấu tranh cho các con vì bọn trẻ muốn sống với mày kia mà.”

Tôi cầu nguyện cho mình giữ được bình tĩnh khi tôi đối đáp một cách quả quyết, và cảm thấy dễ chịu vì không thể nhìn thấy rõ những người ngồi dưới.

Tôi vẫn giữ vững lập trường cho dù thẩm phán chất vấn mình.

“Xin hãy để Jason và Jeremy tự quyết định tương lai của chúng,” tôi cầu khẩn. “Điều này có thể ảnh hưởng cả cuộc đời hai đứa bé. Chúng đã trải qua chuyện này quá đủ rồi.”

Ngày cuối cùng của phiên xét xử, vị thẩm phán yêu cầu gặp riêng Jeremy và Jason trong phòng làm việc của ông.

“Mẹ đừng lo,” Jeremy nhẹ nhàng nói.

“Tụi con sẽ không sao mà.” Jason thêm vào.

Chúng là những dũng sỉ quả cảm trong suốt chặng đường đầy gian nan.

Khi thẩm phán quay lại phòng xử án, ông nói rằng ông đã phải rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định. Ông hi vọng đêm về ông có thể ngủ ngon vì biết rằng ông đã làm những điều tốt nhất cho hai anh em sinh đôi. Tôi thật sự ấn tượng vì ông đã lắng nghe hai đứa con của tôi. Đó là tất cả những gì tôi cầu xin. Và ông đã gửi những đứa trẻ về nhà với tôi.

Tôi hiểu chúng tôi chiến thắng là nhờ vào phép nhiệm màu của Chúa, cùng với sự hỗ trợ của Jason và Jeremy. Chúng dám liều lĩnh tuyên bố, “Nếu sống với Ba, chúng con sẽ bỏ trốn và trở thành những kẻ phạm pháp.” Đoạn video ghi lại tình cảm gắn bó giữa mẹ con chúng tôi ắt hẳn đã làm lay động vị thẩm phán. Những bằng chứng xúc động thể hiện rõ mối quan tâm lớn nhất của hai đứa trẻ vẫn là được ở cùng mẹ có lẽ đã gây ảnh hưởng đến ông.

Mang cảm giác tự hào và được an ủi, tôi đã rời khỏi phòng xử án mà không nhìn lại. Hai đứa nhóc sinh đôi, các anh ruột của chúng và tôi mở tiệc với nhau. Tất cả chúng tôi đều thấy tự do và vui vẻ trở lại. Jason và Jeremy ôm chặt tôi như thể chúng sẽ không bao giờ để tôi ra đi. Tôi cũng ôm chặt chúng, mắt nhòe đi. “Mẹ rất mừng vì các con sẽ ở đây với Mẹ, ở nhà của chúng ta,” tôi bật khóc.

“Tụi con biết chúng ta sẽ chiến thắng nếu tụi con tự bảo vệ mình và bảo vệ Mẹ của chúng con,” Jason nói to. “Con rất vui vì ông thẩm phán đã hỏi tụi con muốn điều gì,” Jeremy kể lại.

Thử thách rồi sẽ qua nhanh thôi, nhưng các con trai và tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi đã học được gì từ một trong những phiên tòa kinh khủng nhất mà tôi phải chịu đựng? Sự kiên nhẫn, tình yêu giữa người Mẹ và các con trai, và niềm tin vào Chúa. Một người Mẹ sẽ đấu tranh cho các con của mình như một con gấu mẹ bảo vệ con. Và những đứa con sẽ dẫn lối.

02.07.2010

Anh Chàng Nhà Bên – P2

[THE GUY NEXT DOOR]

–Meg Cabot–

Lan Anh dịch

To: George Sanchez  geogre.sanchez@thenyjournal.com

From: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

Subject:Em đã ở những nơi sau đây

Vì Sếp và Amy Jenkins có vẻ quan trọng chuyện các nhân viên phải giải thích thật cặn kẽ từng phút họ không có mặt ở văn phòng, nên em sẽ cung cấp cho Sếp một bản tóm tắt chi tiết ghi rõ em đã ở những đâu khi bị giữ chân mà không thể nào tránh được.

Sẵn sàng chưa nào Sếp? Sếp đã uống Mountain Dew chưa? Em nghe nói cái máy ở dưới phòng mỹ thuật hoạt động rồi đó.

Buổi sáng của Mel:

7:15 – Đồng hồ reo. Nhấn nút snooze để ngủ nướng.

7:20 – Đồng hồ reo. Nhấn nút snooze để ngủ nướng.

7:25 – Đồng hồ reo. Nhấn nút snooze để ngủ nướng.

7:26 – Tỉnh dậy vì nghe tiếng chó sủa bên nhà hàng xóm. Tắt đồng hồ.

7:27 – Loạng choạng đi vào nhà vệ sinh. Tắm gội buổi sáng.

7:55 – Loạng choạng đi vào bếp. Cho vào bụng những thứ như một thanh ngũ cốc dinh dưỡng và gà xào kungpao mua về từ tối Thứ Năm. [*]

7:56 – Con chó nhà hàng xóm vẫn sủa.

7:57 – Sấy tóc

8:10 – Mở Kênh 1 xem thời tiết

8:11 – Con chó nhà hàng xóm vẫn sủa.

8:12 – Cố gắng bới đống quần áo bị nhồi nhét vào cái tủ đơn âm tường có kích thước bằng cái tủ lạnh dành cho một căn hộ nhỏ.

8:30 – Đầu hàng. Lôi ra cái váy tơ nhân tạo màu đen, áo sơ mi tơ nhân tạo màu đen, giày bệt có quai màu đen.

8:35 – Chộp cái túi xách màu đen. Tìm chùm chìa khóa.

8:40 – Tìm ra chùm chìa khóa trong giỏ. Ra khỏi nhà.

8:41 – Để ý thấy tờ Tin Tức New York của bà Friedlander vẫn còn nằm trước cửa. (Geogre à, hàng xóm của em đặt mua dài hạn đối thủ lớn nhất của chúng ta; bây giờ sếp đã đồng ý với em là chúng ta rất cần làm gì đó thu hút độc giả lớn tuổi chưa?). Bình thường bà ấy thức dậy lúc 6h để dắt chó đi dạo và đem báo vào nhà.

8:42 – Để ý con chó của bà Friedlander vẫn sủa. Gõ cửa để chắc chắn mọi chuyện đều ổn. (Một vài người trong chúng ta, dân New York ấy, thật sự quan tâm đến hàng xóm nha Geogre. Dĩ nhiên sếp làm sao biết được vì các câu chuyện về những người thật sự quan tâm đến người khác trong cộng đồng đều không phả là đề tài hay để được lên báo. Theo như em quan sát, những câu chuyện của Tạp Chí chúng ta nhắm vào những người hàng xóm chĩa súng vào người khác, chứ không phải đi mượn mấy tách đường.)

8:45 – Liên tục gõ cửa nhưng vẫn không thấy bà Friedlander. Tuy nhiên, Paco – con chó giống Đan Mạch của bà cụ – lại sủa dữ dội hơn.

8:46 – Cố gắng mở cửa căn hộ của bà Friendlander. Thật kỳ quặc, cửa không khóa. Tự đi vào bên trong.

8:47 – Được con chó giống Đan Mạch và hai con mèo Xiêm chào đón. Không có vết tích của bà Friedlander.

8:48 – Thấy bà Friedlander nằm úp mặt xuống thảm trong phòng khách.

Được chưa, Geogre? Thông qua nhé, Geogre? Bà cụ nằm úp mặt xuống tấm thảm trong phòng khách! Nhiệm vụ của em là gì, Geogre? Hử? Gọi Amy Jenkins bên Nhân Sự xuống à?

Không đâu, Geogre. Cái lớp học cứu người mà sếp bắt tất cả bọn nhân viên tham gia phát huy tác dụng rồi đó, sếp thấy không? Mạch của bà Friedlander vẫn còn đập và bà cụ vẫn còn thở. Cho nên em đã gọi 911 và đợi xe cấp cứu đến.

Đến cùng với xe cấp cứu còn có một vài cảnh sát, thưa sếp. Sếp có đoán được họ nói gì không? Họ nói có vẻ bà Friedlander đã bị tấn công. Geogre ơi, từ phía sau ấy. Kẻ nào đó đã lẻn vào nhà và đánh mạnh vào gáy bà cụ!

Sếp tin được không? Ai lại đi làm điều đó với một bà cụ tám mươi tuổi?

Geogre ơi, em không biết cái thành phố này rồi sẽ còn tới đâu khi mà những bà cụ nhỏ bé thậm chí không an toàn ngay trong căn hộ của họ. Nhưng cái mà em đang kể đây là một câu chuyện – và em nghĩ em nên là người viết nó.

Geogre, sếp thấy thế nào?

Mel

Gà xào Kungpao: một món ăn Trung Hoa gồm: Thịt ức gà không xương, củ năng, cải bó xôi (spinach), đậu phộng, dầu mè, nước tương, đường, dấm gạo đen, gừng, tỏi, hành khô, chili sauce, rượu cooking, nước dùng gà được xào với nhau.

————————————————————————————————————

To: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

From: Geogre Sanchez   geogre.sanchez@thenyjournal.com

Subject: Có một câu chuyện ở đây

Câu chuyện duy nhất ở đây là câu chuyện tôi chưa hề nghe qua. Và đó sẽ là câu chuyện tại sao cô đã không thể đến văn phòng, hoặc thậm chí đã không thể gọi cho bất cứ ai để báo cho người khác biết cô đang ở đâu, chỉ vì bà hàng xóm của cô bị đập vào đầu.

Tôi đang thật sự hứng thú lắng nghe cậu chuyện đó ngay bây giờ.

Geogre

————————————————————————————————————

To: Geogre Sanchez  geogre.sanchez@thenyjournal.com

From: Melissa Fuller  Melissa.fuller@thejournal.com

Subject: Em đã ở chỗ nào

Geogre, sếp tàn nhẫn quá đó. Em thấy bà cụ nằm úp mặt trong phòng khách, nạn nhân của một vụ tấn công dã man, và sếp cho rằng tất cả những gì em nên quan tâm là gọi điện cho sếp để giải thích tại sao em đi trễ à?

Thôi được rồi, Geogre, em xin lỗi, nhưng cái suy nghĩ đó thậm chí còn không hề xuất hiện trong đầu em. Bà Friedlander là bạn của em! Em muốn theo xe cấp cứu nhưng có chút vấn đề với Paco.

Hoặc cũng có thể nói đó là vấn đề rất lớn của Paco. Paco là con chó giống Đan Mạch của bà Friedlander, thưa sếp. Nó nặng đến 58 kí rưỡi, nặng hơn cả em đấy.

Nó cần phải ra ngoài. Rất cần.

Vì thế, sau khi dắt nó đi dạo, em còn cho nó ăn, rồi tắm cho nó và làm tương tự như thế với Tweedledum và Mr.Peepers, hai con mèo Xiêm của bà cụ (Tội nghiệp, con Tweedledum “hết đát” từ năm ngoái). Trong lúc em chăm sóc tụi nó, cảnh sát kiểm tra cánh cửa xem có dấu vết dùng vũ lực đột nhập hay không. Nhưng họ không tìm thấy gì cả.

Sếp biết điều này có nghĩa là gì không? Geogre, bà cụ chắc chắn quen kẻ tấn công mình. Chắc chắn bà cụ tự nguyện cho hắn vào nhà.

Kì lạ hơn nữa, 276 đô – la tiền mặt trong ví của bà cụ vẫn còn nguyên. Nữ trang cũng vậy. Đây không phải là một vụ cướp đâu Geogre.

Geogre, tại sao sếp không tin đây là một câu chuyện? Có nhầm lẫn gì đó. Rất nhầm lẫn.

Rốt cục em cũng đến được bệnh viện, khi đó người ta cho em hay rằng bà Friedlander đang phẫu thuật. Các bác sĩ đã nỗ lực làm giảm áp lực của khối máu tụ khổng lồ đang chèn lên não! Trách nhiệm của em là gì, Geogre? Bỏ đi sao? Cánh sát đã không thể liên lạc với bất cứ người thân nào của bà cụ. Geogre, tất cả những gì bà cụ có chỉ là em.

Mười hai tiếng đồng hồ. Họ phải phẫu thuật trong mười hai tiếng đồng hồ. Em phải quay về căn hộ của bà cụ để dắt con Paco đi dạo hai lần nữa trước khi ca phẫu thuật kết thúc. Khi các bác sĩ ra khỏi phòng phẫu thuật, họ nói với em chỉ mới thành công một nửa thôi. Bà Friedlander đang rơi vào tình trạng hôn mê, Geogre ạ! Có thể bà cụ sẽ không bao giờ tỉnh dậy.

Và cho đến khi bà cụ tỉnh lại, sếp đoán xem ai là người bị dính vào việc chăm sóc Paco, Tweedledum  và Mr. Peepers?

Tiếp tục nào. Geogre, sếp đoán thử xem.

Em không cố gắng tìm sự thông cảm nào ở đây cả. Em hiểu. Lẽ ra em nên gọi điện thoại. Nhưng lúc đó, thưa sếp, công việc không là điều cần thiết nhất trong đầu em.

Nhưng mà cuối cùng thì em cũng đã tới rồi, sếp nghĩ sao nếu để em viết một vài chuyện nho nhỏ về sự việc vừa rồi? Sếp biết không, chúng ta có thể thành công bằng một mục nhỏ hãy – cẩn – thận – người – bạn – cho – vào – nhà. Cảnh sát vẫn đang tìm người bà con thân thiết nhất của bà Friedlander – cháu trai của bà cụ, em nghĩ vậy – nhưng khi họ tìm thấy anh ta, em có thể phỏng vấn gã. Sếp biết không, bà cụ quả thật là một người kỳ diệu. Ở tuổi tám mươi, bà cụ vẫn đi đến phòng tập thể dục ba lần trong tuần, tháng trước bà cụ còn bay đến Helsinki để xem buổi trình diễn của Rings. Không đùa đâu. Chồng của bà cụ là Henry Friedlander của hãng dây xoắn Friedlander rất giàu có. [*] Sếp có biết dây xoắn cột túi rác không? Bà cụ đáng giá ít nhất sáu hay bảy triệu đô – la đó sếp.

Thôi nào Gegre. Hãy để em thử một lần thôi. Sếp không thể để em mãi mãi phụ trách mục lượm lặt cho Trang Mười.

Mel

[dây xoắn – “twist-tie”: Dây kim loại được bọc trong một mảnh giấy hoặc nhựa mỏng, dùng để buộc miệng túi như túi rác, túi bánh mì, túi nhựa đựng thức ăn, v.v…]

————————————————————————————————————

To: Mel Fuller  melissa.fuller@thenyjournal.com

From: Geogre Sanchez  geogre.sanchez@thenyjournal.com

Subject: Sếp không thể để em mãi mãi phụ trách mục lượm lặt cho Trang Mười

Được chứ, tôi có thể.

Và cô biết tại sao không? Vì tôi là chủ bút của tờ báo này, và tôi có thể làm bất cứ cái gì tôi muốn.

Thêm nữa, Fuller à, chúng tôi cần cô cho Trang Mười.

Cô muốn biết tại sao chúng tôi cần cô cho Trang Mười không? Sự thật là, Fuller, cô thích nó. Cô quan tâm đến những cuộc chiến pháp lý của Winona Ryder. Cô quan tâm đến việc Harrison Ford đã lột da mặt. Cô quan tâm đến bộ ngực của Courtney Love, liệu chúng có bơm silicon hay không.

Thừa nhận đi Fuller. Cô thích nó.

Còn việc kia không phải là một câu chuyện. Các cụ bà đều gõ gõ lên đầu để kiểm tra Phúc Lợi Xã Hội mỗi ngày đấy thôi.

Câu chuyện này được mang tên là một chiếc điện thoại. Lần sau, hãy gọi điện.

Hiểu rồi chứ?

Bây giờ, đưa cho tôi thông tin phần mở đầu buổi trình diễn của Prada.

Geogre

————————————————————————————————————

To: Geogre Sanchez  geogre.sanchez@thenyjournal.com

From: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

Subject: Em không quan tâm đến ngực của Courtney Love…

…và sếp sẽ phải hối tiếc vì không để em theo đuổi câu chuyện Friedlander, Geogre. Em nói với sếp rằng có chuyện gì ở đó ấy. Em có thể cảm nhận được mà.

À, tiện đây, Harrison sẽ KHÔNG BAO GIỜ lột da mặt.

Mel

P.S: Ai mà chẳng quan tâm đến Winona Ryder? Cô ấy đáng yêu đến thế kia mà. Geogre à, sếp không thích sở hữu cô ấy miễn phí sao?

————————————————————————————————————

To: Human Resource  human.resource@thenyjournal.com

From: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

Subject: Sự chậm trễ của tôi

Bộ phận Nhân Sự thân mến,

Tôi có thể nói gì nào? Quý vị đã tóm được tôi rồi đấy. Tôi đoán những biểu hiện

Nghiện rượu

Nghiện ma túy

Nghiện cờ bạc

Bạo hành gia đình

Rối loạn giấc ngủ

Trầm cảm

và vô số những biểu hiện khác cuối cùng cũng dìm tôi đến tận cùng rồi đây. Làm ơn ghi tên tôi vào Chương Trình Trợ Giúp Nhân Viên liền đi! Nếu quý vị có thể ghép tôi với một bác sĩ tâm thần trông giống Brendan Fraser, và tốt nhất là anh ta thực hiện những buổi trị liệu mà cởi phăng áo sơ mi ra, tôi sẽ cảm kích nhiều lắm.

Bởi vì căn bệnh chính mà tôi đang phải chịu đựng ở đây, tôi – một phụ nữ hai mươi bảy tuổi sống ở New York – không thể tìm được cho mình một người đàn ông đứng đắn. Chỉ là một chàng trai chung thủy, không sống với mẹ của anh ta và việc đầu tiên mỗi buổi sáng Chủ Nhật anh ta làm không phải là lật mục Mỹ thuật của tờ Tin Tức, quý vị hiểu không. Bấy nhiêu có gọi là đòi hỏi quá nhiều không?

Để xem Chương Trình Trợ Giúp Nhân Viên của quý vị giải quyết chuyện đó như thế nào.

Mel Fuller

Phụ Trách Trang Mười

Tạp chí New York

————————————————————————————————————

To: Aaron Spender  aaron.spender@thenyjournal.com

From: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

Subject: Chúng ta không thể ngồi lại và nói chuyện như người lớn sao?

Chẳng có gì để nói. Thật đấy, Aaron. Em xin lỗi vì đã ném túi xách vào mặt anh. Em thật tâm hối hận vì sự nóng giận như trẻ con này.

Và em không muốn anh cho rằng lý do chúng ta chia tay có liên quan đến Barbara. Aaron, chúng ta thật sự đã kết thúc từ lâu, trước khi anh kể em nghe về Barbara. Hãy đối diện với chuyện này, Aaron, chúng ta quá khác nhau: Anh thích Stephen Hawking. Em thích Stephen King. [*]

Anh hiểu sự khác biệt này chẳng đi tới đâu mà.

Mel

[Stephen Hawking: nhà vật lý người Anh — Stephen King: nhà văn người Mỹ thiên về thể loại kinh dị hoặc giả tưởng]

———————————————————————————————————–

To: Dolly Vargas  dolly.vargas@thenyjournal.com

From: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

Subject: Aaron Spender

Em không ném cái túi. Nó tuột khỏi tay em lúc với tay lấy đồ uống, nó bất ngờ bay lên không trung và đập vào mắt Aaron.

Và nếu chị muốn, dùng anh ta luôn đi.

Mel

————————————————————————————————————

To: Nadine Wilcock  Nadine.wilcock@thenyjournal.com

From: Melissa Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

Subject: Mình đã ở nơi nào

Được rồi, được rồi, lẽ ra mình phải gọi điện thoại. Toàn bộ sự việc đúng là ác mộng. Nhưng nghe chuyện này nè. Chuyện này – cậu sẽ không bao giờ tin được:

Aaron đã ngoại tình ở Kabul

Đúng vậy đó. Cậu sẽ không bao giờ đoán là với ai đâu. Mình không đùa nha. Thử đoán đi. Cậu sẽ không bao giờ nghĩ ra.

Được rồi, để mình nói cho nghe: Barbara Bellerieve.

Ah ha. Đọc cho chính xác nha: Barbara Bellerieve, phóng viên cao cấp của đài ABC, vừa mới trở thành người dẫn chương trình truyền hình thực tế TwentyFourSeven [*], và được tạp chí People bình chọn là một trong năm mươi người đẹp nhất hồi tháng trước [*].

Cậu có tin là cô ta ngủ với AARON không??? Chúa ơi, cô ta có khả năng tóm lấy Geogre Clooney mà. Cô ta muốn gì ở AARON???

Không phải là mình không nghi ngờ. Suốt cái tháng anh ta đi làm nhiệm vụ ấy, lúc nào mình cũng thấy những câu chuyện mà anh ta e-mail thiển cận hết chỗ nói.

Cậu biết mình khám phá sự việc này thế nào không? Biết không? Anh ta KỂ cho mình nghe. Anh ta cảm thấy “sẵn sàng tiến thêm một bước nữa trong chuyện tình cảm” (đoán thử xem ba bước ĐÓ là gì?), và để tiến tiến thêm một bước nữa anh ta phải “thú nhận đã ngủ với cô ta”. Anh ta bảo rằng kể từ khi chuyện đó xảy ra,  anh ta “bị giày vò bởi mặc cảm tội lỗi” và rằng “chuyện xảy ra không có chút ý nghĩa nào hết”.

Chúa ơi, đồ ngốc. Mình không thể tin được là mình đã lãng phí ba tháng ròng rã cho anh ta.

Không còn gã đàn ông đứng đắn nào ngoài kia nữa sao? Ý mình là ngoài Tony ra ấy. Nadine à, mình thề đó, bạn trai của cậu là người đàn ông tử tế cuối cùng trên thế giới. Người cuối cùng! Giữ chặt anh ấy nhé, và đừng để anh ấy bỏ đi bởi vì mình đã nói với cậu rồi đấy, thế giới ngoài kia phức tạp lắm.

Mel

P.S: Hôm nay không ăn trưa được, mình phải về nhà để dắt con chó của bà cụ hàng xóm đi dạo.

P.P.S: Đừng hỏi, chuyện dài dòng lắm.

[TwentyFourSeven: Chương trình truyền hình thực tế trên kênh MTV, quay lại cuộc sống của bảy anh chàng tìm kiếm sự nổi tiếng và vận may ở Hollywood]

[Tạp chí People: Tạp chí của Mỹ xuất bản hàng tuần, viết về những người nổi tiếng và những khía cạnh tâm lý của con người]

Anh Chàng Nhà Bên – P1

[THE GUY NEXT DOOR]

Meg Cabot

Lan Anh dịch—

To: Mell Fuller  <melisa.fuller@thenyjournal.com>

From:    <human.resources@thenyjournal.com>

Subject: Đi trễ

Melisa Fuller thân mến,

Đây là thư tự động từ Bộ phận Nhân Sự – Tạp chí New York, tờ báo ảnh hàng đầu New York. Xin lưu ý rằng, theo giám sát của bạn – chủ bút George Sanchez, ngày làm việc của bạn tại Tạp chí bắt đầu vào đúng 9 giờ sáng, và hôm nay bạn đã đi trễ 68 phút. Melissa Fuller, trong năm nay, đây là lần đi trễ thứ 37, vượt thêm hai mươi phút.

Chúng tôi, Bộ Phận Nhân Sự, không “rình bắt” những nhân viên đi trễ như bản tin nhân viên tuần trước đã thông tin thiếu chính xác. Đi trễ là một vấn đề nghiêm trọng và tốn kém mà những người sử dụng lao động trên toàn nước Mĩ phải đối mặt. Người lao động thường xem nhẹ việc đi trễ, nhưng việc này xảy ra đều đặn thường là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn:

Nghiện rượu

Nghiện ma túy

Nghiện cờ bạc

Bạo hành gia đình

Rối loạn giấc ngủ

Trầm cảm

và vô số những dấu hiệu khác. Nếu bạn đang gặp một trong những vấn đề trên, đừng ngần ngại liên hệ người đại diện của Bộ Phận Nhân Sự, Cô Amy Jenkins. Đại diện Bộ phận Nhân Sự sẽ rất vui mừng ghi tên bạn vào Chương Trình Giúp Đỡ Nhân viên của Tạp chí New York, nơi bạn sẽ có riêng một chuyên gia tâm lý, sức khỏe để giúp bạn phát huy hết tiềm năng của mình.

Melissa Fuller, chúng ta ở đây – Tạp chí New York, là một đội. Chúng ta cùng chiến thắng và cùng thất bại. Melissa Fuller, bạn không muốn ở một đội chiến thắng sao? Vì vậy, xin vui lòng thực hiện nhiệm vụ để chúng tôi thấy bạn đi làm đúng giờ kể từ lúc này!

Thân ái,

Bộ phận Nhân sự

Tạp chí New York

Xin lưu ý bất cứ lần đi trễ nào trong tương lai sẽ bị đình chỉ công tác hoặc sa thải.

————————————————————————————————————

To: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

From: Nadine Wilcock  Nadine.wilcock@thenyjournal.com

Subject: Cậu gặp rắc rối

Mel, cậu ở đâu vậy? Mình thấy mụ Amy Jenkins bên Nhân Sự rình mò quanh chỗ của cậu. Cậu nhận được một trong những thông báo đi trễ nữa hả? Gì đây, cái thứ năm mươi?

Lần này cậu nên có lý do hay ho vì Geogre vừa mới nói rằng mấy người phụ trách mục lượm lặt chỉ cần búng tay là có, rằng nếu sếp muốn thì chỉ trong một giây là Liz Smith sẽ lập tức ở đây để thế chỗ của cậu. Mình nghĩ sếp đùa. Mà cũng không biết nói sao vì máy bán Coca – Cola bị hư, và sáng nay sếp chưa uống Mountain Dew. (*)

Mà nè, có chuyện gì xảy ra giữa cậu và Aaron đêm qua không? Anh ấy lại đang chơi cái trò Wagner ở bàn làm việc (*). Cậu biết việc này khiến George khó chịu thế nào mà. Hai người lại cãi nhau nữa hả?

Tụi mình sẽ đi ăn trưa hay làm gì?

Nad 🙂

[Mountain Dew: Một loại nước giải khát của hãng Pepsi]

[Wagner: trò Tetris, tương tự như trò chơi xếp gạch]

———————————————————————————————————–

To: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

From: Aaron Spender  aaron.spender@theynjournal.com

Subject: Đêm qua

Em ở đâu vậy Mel? Em định cứ trẻ con như vậy và không đi làm cho đến khi em chắc chắn là anh nghỉ? Phải vậy không?

Chúng ta không thể ngồi lại và nói chuyện như người lớn à?

Aaron Spender

Phóng Viên Cao Cấp

Tạp chí New York

————————————————————————————————————

To: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

From: Dolly Vargas  dolly.vargas@thenyjournal.com

Subject: Aaron Spender

Melisa –

Cưng à, đừng hiểu lầm, CHỊ KHÔNG theo dõi em, nhưng chỉ có đứa con gái bị MÙ mới không chú ý thấy em đã lấy giỏ xách đập vào đầu Aaron Spender ở Pastis đêm qua. Chắc chắn em không để ý chị; vì lúc đó chị đang ở quầy bar, dòm xung quanh vì nghĩ là chị nghe thấy tên em, ủa, mà không phải em có nhiệm vụ tham dự buổi trình diễn của Prada sao? – Rồi sau đó BOOM! Altoids [*] và Maybelline tung tóe khắp nơi.

Cưng à, một cú ra trò lắm đấy.

Em nhắm mục tiêu cực kì chính xác. Nhưng chị nghi là bà Kate Spade có ý dùng cái bóp cầm tay nhỏ xíu đáng yêu đó làm tên lửa í. Chị cam đoan với em bà ấy sẽ vỗ tay mạnh hơn nữa nếu biết các quý cô dùng sản phẩm của mình làm mấy cú trái tay như quả banh tennis ấy.

Cưng nè, nghiêm túc nha, chị chỉ muốn biết: Có phải mọi chuyện giữa em à Aaron kết thúc rồi không? Vì chị chưa bao giờ nghĩ hai người hợp với nhau cả. Chúa ơi, đó là người đàn ông có hội giành giải Pulitzer! Muốn biết suy nghĩ của chị hử, đây, bất cứ ai cũng có thể viết nên câu chuyện về cậu bé Ethiopia. Ướt át hết sức. Cái đoạn mà chị của thằng bé bán thân để có gạo cho nó ăn đó…làm ơn đi. Quá giống mấy câu chuyện của Dickens.

Em không gặp khó khăn gì chứ? Vì chị mới nhận được lời mời đến chỗ của Steven ở Hamptons. Chị đang nghĩ đến chuyện mời Aaron đi cùng để trà trộn vào Cosmos. Nhưng chị sẽ không làm thế nếu em cải trang thành chị.

P.S: Lẽ ra em nên gọi điện thoại nếu không định đi làm hôm nay, cưng à. Em gặp rắc rối rồi đấy. Vừa nãy chị thấy cái kẻ trông như người lùn xấu xí (Amy hử?) bên Nhân Sự đánh hơi quanh chỗ làm việc của em kìa.

XXXOOO

Dolly

[Altoids: tên một loại kẹo bạc hà của Anh]

[Kate Spade: tên thật là Katherine Noel Brosnahan, sinh ngày 24/12/1962, tại thành phố Kansas, bang Missouri. Bà là người đồng sáng lập và đứng tên nhãn hàng Kate Spade New York.]

————————————————————————————————————

To: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

From: George Sanchez  geogre.sanchez@thenyjournal.com

Subject: Cô đang ở cái chỗ quái quỉ nào thế?

Cô đang ở cái chỗ quái quỉ nào thế? Cô tưởng là những ngày nghỉ bù thì không phải sắp xếp trước với người trả lương cho cô à.

Điều này không hề thuyết phục được tôi rằng cô là một người phụ trách chuyên mục có năng lực. Fuller, cô giống một người có năng lực sửa những lỗi cơ bản có năng lực hơn đó.

Geogre

————————————————————————————————————

To: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

From: Aaron Spender  aaron.spender@thenyjournal.com

Subject: Đêm qua

Melissa, không giống em chút nào hết. Ôi Chúa ơi, Barbara và anh ở vùng chiến sự. Pháo phòng không cứ nổ xung quanh. Anh cứ nghĩ tụi anh sẽ bị quân phiến loạn bắt bất cứ lúc nào. Em không thể hiểu điều đó sao?

Anh thề là nó chẳng có ý nghĩa gì cả, Melissa.

Chúa ơi, lẽ ra anh không nên kể cho em nghe. Anh tưởng em phải chín chắn hơn chứ. Nhưng em hành động đáng thất vọng như thế này kia…

Được rồi, anh không bao giờ mong đợi điều này từ một người phụ nữ như em, đó là tất cả những gì anh phải nói.

Aaron Spender

Phóng Viên Cao Cấp

Tạp Chí New York

————————————————————————————————————

To: Mel Fuller  Melissa.fuller@thenyjournal.com

From: Nadine Wilcock  Nadine.wilcock@thenyjournal.com

Subject: Không vui

Cô kia, đâu rồi? Mình thật sự lo lắng rồi nha. Sao không gọi điện thoại? Hi vọng cậu không bị xe buýt tông hay gặp chuyện gì khác. Nhưng mình nghĩ người ta sẽ gọi cho tòa soạn nếu cậu xảy ra chuyện gì. Tức là, trong trường hợp cậu có mang thẻ nhà báo ấy.

Được rồi, thật sự mình không lo cậu sẽ chết. Nhưng mình rất lo cậu bị đuổi việc và mình sẽ lại phải ăn trưa chung với Dolly. Cô ta đã ép mình đi ăn chung vì cậu ĐANG MẤT TÍCH, chuyện này gần như giết mình á. Một người phụ nữ gọi món xà lách trộn không nước sốt. Cậu biết mình từ chỗ này mà phải đi đến đâu không? KHÔNG NƯỚC SỐT.

Sau đó cô ta cảm thấy như bị ép buộc phải nhận xét từng thứ mình cho vào miệng. “Em biết có bao nhiêu gram chất béo trong món chiên đó không?” “Một thứ tốt hơn thay cho mayonnaise, Nadine à, là yogurt ít béo.”

Mình muốn hỏi mụ là mụ có thể làm gì với cái món yogurt ít béo.

Nhân tiện, cậu nên biết là Spender cứ đi vòng vòng lải nhải rằng cậu đang hành động như thế này vì chỉ vì tất cả mọi chuyện xảy ra giữa hai người tối qua.

Nếu chuyện đó không lôi cậu tới đây ngay lập tức thì mình cũng chào thua.

Nad 🙂

Anh Chàng Nhà Bên – Giới thiệu

Đây là truyện dài hơi đầu tay mình đưa ra cho mọi người cùng đọc và góp ý…Ủng hộ mình nhe!!!

[THE GUY NEXT DOOR]

Meg Cabot

—Lan Anh dịch—

Melissa Fuller đi làm trễ.

Cô nàng luôn đi trễ nhưng lần này, nàng có lý do chính đáng.


Nàng vừa mới cứu người hàng xóm thoát khỏi một kẻ đột nhập hung tợn và cũng đúng lúc đó, nàng trở thành người trông nom Paco – con chó giống Đan Mạch (*) – vốn dĩ chẳng phải là phụ kiện lý tưởng cho một cô nàng New York.

Hiện tại, Mel cần sự giúp đỡ, nhưng cô nàng sẽ không nhận được điều này từ người bà con duy nhất của bà cụ hàng xóm – anh chàng sát gái lạnh lùng Max Friedlander. Max không hề có lòng trắc ẩn và cũng không định từ bỏ kì nghỉ với một em siêu mẫu chỉ để giúp đỡ người hàng xóm phiền phức của bà bác đang đau ốm.

Nhưng vì Max muốn bảo vệ tài sản thừa kế của mình, anh chàng cần một người thay mình sắm vai đứa cháu chu đáo và tiếp quản nhiệm vụ dắt chó đi dạo từ Mel. Vì vậy, khi Max yêu cầu John – bạn cũ của anh chàng đến giúp, thì trên lý thuyết, vấn đề của tất cả mọi người đều được giải quyết.

Trên thực tế, họ chỉ vừa mới bắt đầu.

Với Anh Chàng Nhà Bên – Một câu chuyện tình yêu tuyệt vời và hài hước, những tị nạnh lặt vặt nơi công sở, và những trường hợp nhận lầm người – tác giả của tập truyện Nhật Ký Công Chúa đã dành cho nhóm độc giả lớn hơn một chút nhưng sự lãng mạn của họ thì vẫn không hề ít đi.

[Great Dean  một giống chó nhà được biết đến với kích thước lớn và bản tính hiền lành. Great Dane được coi là giống cho cao nhất thế giới cùng với giống Irish Wolfhound. Gần đây Great Dane đã được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness là loài chó cao nhất thế giới. Great Dane được chọn làm loài chó biểu tượng của bang Pennsylvania năm 1965]

ĂN TRƯA CÙNG BÀ

[LUNCH WITH GRANDMA]

Teri Batts

— Lan Anh dịch—

[26.06.2010]

***


Mặc dù không chắc chắn, không chuẩn bị trước, và cũng không ý thức được những thử thách mà căn bệnh Alzheimer (*) sẽ mang lại cho mình, tôi vẫn đi thẳng đến Charlotte để giúp Mẹ chăm sóc Bà.

Với thái độ lạc quan, tích cực như thường lệ, tôi đã có buổi sáng đầu tiên tràn đầy hăng hái và biết chính xác mình cần phải làm gì, hoặc là tôi đã nghĩ như thế. Trước khi uống tách cà phê đầu tiên, tôi bước vào phòng tắm và thấy Bà đang cố chải răng bằng dao cạo! Bị sốc và gần như bị kích động, tôi thét gọi Mẹ và cố gắng lấy con dao cạo mà không làm đau cả Bà lẫn tôi. Mẹ đi vào phòng tắm thật khẽ, lấy con dao cạo và mỉm cười như nuốt nước mắt vào trong . Đã có quá nhiều nước mắt theo từng ngày trôi qua. “Người phụ nữ cứng rắn” – như tôi vẫn thường nói về Mẹ – là từ thích hợp với bà nhất.

Vài ngày tiếp theo, tôi cũng đã bắt đầu tự tin như Mẹ, và tôi nhận ra rằng Bà làm mọi việc theo thói quen. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu khai thác thói quen của Bà – bày bừa phòng khách để bà có thể dọn đi dọn lại – phân công bà lau chùi hành lang – rửa đĩa, tách bằng nhựa không bể trong khi tôi sẽ lau khô và đem cất.

Tôi ngày càng tự tin hơn khi tự thuyết phục bản thân rằng ngoài việc Mẹ ấn tượng với tôi ở khả năng giữ cho Bà luôn bận rộn, tôi cũng có thể dễ dàng giải quyết bất cứ tình huống nào khác. Do đó, tôi quyết định dắt bà đi ăn trưa, chỉ hai chúng tôi thôi. Dù Mẹ có hơi miễn cưỡng, tôi vẫn lên kế hoạch dẫn bà đến một tiệm ăn chuyên bán thịt nướng với salad trộn để Bà có thể chọn thứ mà Bà muốn ăn.

Đi đến nhà hàng thật sự không có vấn đề gì vì Bà thích thú với những chiếc xe mới lạ. Chúng tôi vui vẻ đi vào tiệm bán thịt nướng, gọi món và không ngần ngại thử món xà lách trộn. Nhưng Bà không biết cái gì với cái gì, đến miếng bánh mì cũng không. Bà không chịu ăn gì ngoại trừ “món đỏ đỏ” xinh đẹp nhúc nhích được. Cuối cùng, chỉ với một miếng thạch trên đĩa của Bà, chúng tôi cũng ngồi xuống và có một bữa trưa thật tuyệt vời. Bà rất thích thú khi xoay “món đỏ đỏ” xinh đẹp vòng vòng trong miệng.

Bất thình lình, Bà túm lấy tay tôi và kéo xuống đất, lôi tôi xuống dưới gầm bàn. Tôi bị sốc tới nỗi không thể la lên và không thể làm gì khác. Tôi nắm tay bà, nhẹ nhàng vỗ về Bà đứng dậy, nhưng Bà đã kéo cánh tay tôi với một sức mạnh mà tôi không tưởng tượng nổi. Bà lôi tôi xuống sàn, “Bọn da đỏ!”, bà nói khẽ. “Chúng ta phải thoát thôi!”

Tôi cố gắng trong tuyệt vọng để hiểu được Bà, “Bọn Da đỏ ở đâu hả Bà?”, tôi hỏi.

Bà hoảng sợ chỉ vào một nhóm người vừa bước vào nhà hàng. Rồi Bà bắt đầu bò lê trên sàn nhà, kéo cái ví phía sau và ra dấu cho tôi đi theo. Tôi vẫn quì gối ở đó.

“Đi nào!” bà ra lệnh. Bà càng kích động bao nhiêu, tôi càng ngượng ngùng bấy nhiêu.

Chết tiệt thật, tôi nghĩ và dẹp hết sĩ diện qua một bên. Tôi bò phía sau bà, phía dưới mấy cái bàn trống để băng qua Miền Tây Hoang Dã bao la, tiến về quầy salad. Khi chúng tôi đến nơi “ẩn nấp” an toàn, Bà kéo tôi về phía Bà và nói, “Hướng đó, cánh cửa! Chúng ta có thể làm được, dũng cảm lên nào!”

Chúng tôi bò nhanh ra ngoài, Bà thì mặc váy, tôi thì mặc một cái quần jean xanh đã cắt ngắn, cả hai đều kéo lê một cái ví và quay đầu dòm hết bên này đến bên kia. Bà đang tìm mối nguy hiểm còn tôi đang tìm xem những ai đang dòm mình chòng chọc. Ngay khi chúng tôi tiến đến gần cửa ra vào, người quản lý từ sau quầy tính tiền bước ra. Bà hoảng sợ lao cả người đè lên mình tôi để bảo vệ tôi.

Người quản lý nhìn chằm chằm xuống hai bà cháu đang nằm chồng lên nhau trên sàn nhà và hỏi, “Tôi có thể giúp hai người chuyện gì không?”

Tôi cười phá lên. Bà tự đứng dậy và cúi xuống giúp tôi vì tôi cười nhiều đến nỗi không đứng lên được. Bà phủi phủi người tôi rồi hỏi, “Con có sao không?”

Vị quản lý bối rối hỏi rõ, “Có chuyện gì không ổn, thưa quí khách?”

“Dĩ nhiên, mọi chuyện cũng ổn. Bây giờ thì anh ở đây rồi, Cảnh sát trưởng Dillon.” (*)

Bà kéo tôi đi ra cửa khi mà tôi vẫn còn cười đến chảy cả nước mắt. Khi tới cửa, bà quay lại người quản lý, “Xin lỗi ông, chúng tôi quên trả tiền.” Bà lấy trong ví ra một hào và đặt lên quầy tính tiền.

“Cám ơn bà” ông ấy nói và nở một nụ cười thật tươi với Bà.

Lúc đó tôi vẫn còn cười đến nỗi không thở được. Bà nắm tay tôi và kéo mạnh ra ngoài. “Chúng ta phải ra khỏi đây thôi, Terri,” bà nói. “Con làm bà ngượng quá đi.”

(*) Bệnh Alzheimer: là một chứng mất trí nhớ phổ biến ở người cao tuổi. Trạng thái mất trí tiến triển thường khởi đầu bằng rối loạn trí nhớ, các rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hoạt động, rối loạn trí tuệ, chẳng hạn như lãng quên tên (tên bố, mẹ, vợ, con…) lặp đi, lặp lại nhiều lần trong ngày. Cuối cùng là quên tên của mình.

(*) Cảnh sát trưởng Dillon: là một nhân vật hư cấu của bộ phim Gunsmoke, được trình chiếu trên tj-vi và đài phát thanh. Marshal Dillon là Cảnh sát trưởng của thành phố Dodge, tiểu bang Kansas, người bảo vệ luật pháp và trật tự ở biên giới phía Tâynhững năm 1870.

THA THỨ LÀ MỘT LỰA CHỌN

[FORGIVENESS IS A CHOICE]

— Katherine Van Hook —

***

Tha thứ là hình thức cao quý  nhất, đẹp nhất của tình yêu

Bù lại, bạn sẽ nhận được vô vàn bình yên và hạnh phúc.

***

Tháng Hai, khi Ba tôi mất sau một thời gian dài lâm bệnh, mọi người đề nghị tôi đọc lời tưởng niệm ông. Những tháng trước khi Ba ra đi, tôi đã suy ngẫm về những kỉ niệm với ông và cân nhắc xem mình sẽ viết những gì.

Ba tôi có những đức tính rất đáng kính, nhưng không có đức tính nào nổi bật như khả năng tha thứ người khác khi họ phạm phải sai lầm. Tôi luôn ngạc nhiên khi ông, từ trái tim mình, luôn luôn tha thứ dù cho ai đó đã gây ra bất cứ điều gì. Tôi phải cho tất cả mọi người biết điều này trong khi đọc những lời tưởng niệm về Ba. Nhưng, tôi gặp phải tình huống cực kì khó khăn.

Làm sao tôi có thể nói với mọi người rằng Ba đã dạy tôi tha thứ cho những điều dường như không thể – khi mà trong trái tim mình, tôi không hề có lòng khoan dung?

Bạn biết không, thế giới của tôi sụp đổ khi cuộc hôn nhân kết thúc. Người bạn thân nhất từ thưở ấu thơ và người sắp trở thành chồng cũ của tôi dọn về với nhau, bỏ lại tôi cùng hai đứa con nhỏ, một chiếc xe hỏng, và không có bảo hiểm y tế.

Tôi giận dữ, trách móc và gay gắt.

Thậm chí những chuyện đơn giản như cho bọn trẻ qua lại giữa hai nhà cũng khiến tôi căm ghét. Cuối cùng, hai đứa con trai cũng không qua nhà ba nó, còn tôi thì nhẹ nhõm khi không phải đương đầu với những việc như thế này thêm nữa.

Vào một ngày tháng Giêng lạnh giá, tôi gọi điện thoại cho chồng cũ để báo rằng Ba đang hấp hối. Anh ấy lập tức ghé thăm Ba tôi để nói lời tạm biệt, và Ba tôi, rất bao dung, chào đón anh ấy.

Tuy vậy, vẫn còn một điều phải làm. Tôi đã gọi cho người bạn thời thơ ấu và hẹn cô ấy gặp tôi ở bệnh viện. Thoạt tiên, cô ấy lo lắng, không biết những thành viên khác trong gia đình tôi sẽ phản ứng như thế nào khi gặp cô ấy.

Đêm đó, tôi đã hỏi Ba tôi mấy lần. Khi tôi ngồi đó với ông, tôi rất căng thẳng. Tôi bắt đầu hiểu rằng mình cũng muốn nhận được sự tha thứ từ bạn mình. Thật sự, tôi đã cư xử không tốt với cô ấy từ khi ly hôn.

Khoảng 8h, cô ấy có mặt ở bệnh viện. Khi Ba tôi tỉnh dậy và thấy cả hai chúng tôi đều ở bên cạnh mình, ông rất ngạc nhiên. Trong chốc lát, ông không nói được lời nào. Rồi khi ông hé môi, ông chỉ cười, không nói gì cả. Cuối cùng, ông cũng cố gắng mở lời, “Ôi, lạy Chúa…”

Tôi tiếc vì sau đó tôi đã không hỏi ông thấy thế nào, nhưng tôi hiểu Ba, tôi chắc chắn ông đã rất tự hào và hạnh phúc vì cuối cùng, tôi có thể bỏ lại mọi giận dữ và đau khổ phía sau.

Ba mất vài tuần sau đó. Bài tưởng niệm như món quà cuối cùng tôi dành tặng ông. Thế nhưng, món quà cuối cùng ông dành tặng tôi mới là vô giá.

Hiện tại, cô ấy và tôi đã nói chuyện trở lại và thỉnh thoảng đi ăn trưa hoặc ăn tối cùng nhau. Chúng tôi bỏ qua những tổn thương, chỉ nhớ đến những kỷ niệm ngày xưa và nhìn về tương lai tốt đẹp đang đến.

Chúng tôi luôn đi cùng con gái bé bỏng của cô ấy; đặc biệt, cô bé có cái nhìn và hành động hệt như con trai lớn của tôi. Tôi thích thú vì được là một phần trong cuộc sống của cô ấy, chúng tôi đã vượt mọi khó khăn để gầy dựng một mối quan hệ thật đặc biệt. Nhờ đó, tôi cảm thấy như mình cũng đang có một cô con gái bé bỏng.

Qua mọi chuyện, tôi đã học được rằng tha thứ là một lựa chọn mà ai cũng có thể làm được, nếu chúng ta sẵn lòng bỏ qua một bên lòng kiêu hãnh và những tổn thương. Mặt khác của tha thứ, là bình yên vô hạn.

Lan Anh dịch

[27.06.2010]

CHIẾC DƯƠNG CẦM ĐỎ

[THE RED MAHOGANY PIANO]
Joe Edwards – Chicken soup for the soul

Lan Anh dịch [04/03/2010 – 1.30AM]

Nhiều năm trước đây, khi còn là một chàng trai trẻ trong độ tuổi hai mươi, tôi là nhân viên bán hàng cho một công ty chuyên bán đàn dương cầm ở đường Louis. Chúng tôi bán đàn khắp nước Mỹ bằng cách quảng cáo trên những tờ báo nhỏ ở địa phương, và sau đó, khi nhận đủ thư đặt hàng, chúng tôi sẽ chất đàn lên những chiếc xe tải nhỏ, chạy đến tận nơi Và bán cho những người đã hồi âm.

Cứ mỗi lần chúng tôi đăng quảng cáo ở vùng trồng bông ở Miền đông nam Missouri, chúng tôi lại nhận được một tấm bưu thiếp hồi âm: “Xin hãy mang cho đứa cháu gái nhỏ của tôi một chiếc đàn dương cầm. Nó phải là một chiếc dương cầm màu đỏ, làm bằng gỗ gụ . Tôi có thể trả 10 đô-la mỗi tháng bằng tiền bán trứng.” Bà cụ cứ thế, nguệch ngoạc cho đến khi nào tấm thiệp đầy những chữ, rồi bà lật sang mặt trước, thậm chí viết luôn lên mấy góc thiệp, chỉ chừa lại chỗ ghi địa chỉ.

Dĩ nhiên, chúng tôi không thể bán cây đàn với giá 10 đô-la mỗi tháng. Không công ty tài chính nào có thể ký hợp đồng với số tiền ít ỏi như vậy, vì vậy chúng tôi đã lờ đi những tấm bưu thiếp của bà.

Tuy nhiên, một ngày nọ, tôi tình cờ ghé ngang vùng ấy vì có những thư đặt hàng khác, và vì tò mò, tôi quyết định đi tìm bà cụ. Tôi đã thấy được nhiều điều hơn mình tưởng tượng. bà cụ sống trong một căn nhà gỗ dành cho tá điền, ở giữa cánh đồng bông. Sàn nhà rất dơ, và thậm chí có cả gà ở trong lều. Rõ ràng, bà cụ không đủ điều kiện để mua bất cứ thứ gì bằng thẻ tín dụng – không xe hơi, không điện thoại, không có một nghề nghiệp thực sự, không có gì ngoài mái nhà trên đầu – thậm chí đó cũng chẳng phải là một cái mái nhà đàng hoàng. Tôi có thể thấy ánh sáng ban ngày xuyên qua vài lỗ hổng trong nhà. Đứa cháu gái của bà khoảng 10 tuổi, đi chân đất và mặc chiếc áo đầm may từ bao bố.

Tôi giải thích với bà cụ rằng chúng tôi không thể bán một cây đàn dương cầm mới với giá 10 đô-la mỗi tháng, và bà đừng nên viết thư cho chúng tôi mỗi khi thấy mẫu quảng cáo. Tôi chán nản ra về. Nhưng rồi lời khuyên của tôi chẳng có tác dụng gì cả – cứ mỗi 6 tuần, bà vẫn gửi cho chúng tôi tấm bưu thiếp tương tự. Lúc nào cũng là bà muốn một cây đàn dương cầm mới, làm bằng gỗ gụ màu đỏ, làm ơn đi, và hứa sẽ không bao giờ quên trả 10 đô-la mỗi tháng. Thật là buồn.

Một vài năm sau, tôi mở một công ty bán đàn dương cầm của riêng mình. Và cứ mỗi lần tôi quảng cáo ở vùng bà sống, những tấm bưu thiếp lại đến với tôi. Hàng tháng trời tôi đã lờ chúng đi – tôi còn có thể làm gì được nữa?

Nhưng rồi một ngày kia, khi tôi trở lại vùng trồng bông, bất chợt có điều gì đó nảy lên trong lòng tôi. Tôi đang chở một cây đàn dương cầm màu đỏ làm bằng gỗ gụ trên xe tải. Dù tôi biết lúc ấy mình đã có một quyết định kinh doanh sai lầm, nhưng tôi vẫn chuyển cây đàn đến cho bà. Tôi nói với bà, tôi chấp nhận bà trả 10 đô-la mỗi tháng mà không tính lãi, và bà sẽ phải trả tổng cộng 52 đô la. Tôi mang cây đàn vào nhà, đặt nó ở nơi mà tôi nghĩ rằng sẽ ít bị dột nhất. Tôi dặn bà và đứa cháu gái đừng để gà lại gần cây đàn. Rồi tôi đi – tôi biết chắc đã vừa bỏ một cây đàn.

Nhưng rồi khoản tiền phải trả vẫn đến, tổng cộng 52 đô-la như thỏa thuận – thỉnh thoảng là những đồng xu được buộc vào những lá bài khoảng từ 3 đến 5 inch bỏ trong bì thư. Thật không thể tin được!
Vì vậy, tôi đã quên bẵng câu chuyện này trong suốt 20 năm.

Một lần kia, tôi có dịp đến Memphis vì công việc. Sau bữa tối tại khách sạn Holiday Inn ở Levee, tôi đi xuống phòng giải trí. Trong lúc đang dùng chút đồ uống ở quầy bar, tôi chợt nghe tiếng dương cầm tuyệt hay phía sau mình. Tôi nhìn xung quanh và thấy một phụ nữ trẻ rất đáng yêu đang chơi một cây đàn rất đẹp, và rất to.

Với một chút cảm nhận của người chơi dương cầm, tôi bị mê hoặc bởi tiếng dương cầm trong trẻo, rồi tôi mang đồ uống đến chiếc bàn ngay sau lưng cô gái, nơi mà tôi có thể vừa nghe và vừa xem rõ hơn. Cô gái cười với tôi, vẻ như hỏi tôi có yêu cầu gì không, và khi cô gái nghỉ giải lao, cô ngồi xuống bàn cùng tôi.

“Có phải chú là người đã bán cho bà cháu chiếc dương cầm cách đây đã lâu rồi không?

Tôi không có chút ấn tượng gì nên phải nhờ cô giải thích.

Cô gái bắt đầu kể cho tôi nghe, và đột nhiên tôi nhớ ra. Ôi chúa ơi, là cô bé đó! Đó là cô bé với đôi chân trần và chiếc đầm làm từ bao bố.

Cô gái nói với tôi tên cô là Elise, và vì bà cô không thể trả tiền học đàn, cô phải học chơi đàn từ radio. Cô kể rằng cô bắt đầu chơi đàn cho nhà thờ, nơi mà bà cô và cô phải đi bộ hơn hai dặm mới đến nơi, và sau đó cô chơi đàn trong trường học, giành được nhiều giải thưởng và một học bổng âm nhạc. Cô kết hôn với một luật sư ở Memphis, và chồng cô đã tặng cô chiếc dương cầm rất to và rất đẹp – chiếc đàn cô đang dùng.

Có điều gì đó thoáng hiện lên trong tôi. “Elise,” tôi nói, “Ở đây hơi tối. Nhưng cây đàn màu gì vậy?”

“Màu đỏ gỗ gụ,” cô đáp. “Sao vậy chú?”

Tôi nghẹn lời.

Cô có hiểu được ý nghĩa của màu đỏ gỗ gụ? Sự táo bạo của bà cô quả thật đáng kinh ngạc vì bà cứ cố van nài một chiếc dương cầm bằng gỗ gụ màu đỏ – không một người tỉnh táo nào lại có thể bán cho bà một chiếc dương cầm như thế? Tôi cũng không biết nữa.

Và tiếp theo đó là thành tựu kì diệu của đứa trẻ xinh đẹp trong chiếc váy may bằng vải bố, một đứa trẻ chịu quá nhiều thiệt thòi? Không, có lẽ cô gái ấy cũng không hiểu được điều đó.

Nhưng tôi hiểu, và cổ họng tôi nghẹn lại.

Cuối cùng, tôi cất lời. “Chú tự hỏi,” tôi nói. “Chú rất tự hào về cháu, nhưng chú phải về phòng đây.”
Và tôi đã về phòng – vì đàn ông không ai muốn người ta thấy mình khóc.

MỐI TÌNH ĐẦU

[FIRST LOVE]

Sophia Valles Bligh

Chicken Soup for Every Mom’s Soul

2:08AM – 24/04/2010
—-Lan Anh dịch—-

Lùi về khoảng thời gian mà tôi vẫn còn nhớ, tôi đã từng là một đứa con gái thích phiêu lưu và rất nghịch ngợm; còn Mẹ là một bà mẹ trầm tính, truyền thống và quý phái. Tôi đã luôn đổ lỗi cho sự khác biệt tuổi tác mỗi khi chúng tôi có vấn đề với nhau. Khi Mẹ sinh tôi ra, bà đã 38 tuổi, và vào thời điểm cuối những năm 60, có con ở tuổi ấy là quá trễ. Mặc dù tôi chưa bao giờ ngại ngùng vì có cha mẹ lớn tuổi nhất trong đám bạn, nhưng tôi có cảm giác rằng ba mẹ lớn tuổi chính là lí do vì sao ông bà rất nghiêm khắc và bảo thủ.

Đứa con gái “ồn ào” và bà mẹ “ trầm tính” luôn bất đồng với nhau là điều đương nhiên. Khi tôi vừa bước vào tuổi thiếu niên, hai mẹ con đã tranh cãi rất nhiều và điều này đã tạo nên một khoảng cách ngày càng lớn giữa hai chúng tôi. Vấn đề nghiêm trọng nhất là mẹ quá nghiêm khắc về chuyện con trai và chuyện hẹn hò. Chúng tôi cãi nhau về việc khi nào tôi mới được phép hẹn hò cho đến khi sự thất vọng thể hiện lên mặt. Cuối cùng, con số kỳ diệu được xác định là…mười sáu.

Chẳng bao lâu sau, tôi đã mười sáu và bắt đầu hẹn hò. Mẹ không nói thẳng với tôi, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng bà rất lo lắng. Tôi không thể hiểu tại sao. Chẳng lẽ mẹ không nhận ra tôi là một đứa con gái có trách nhiệm, là một đứa đủ thông minh để không bao giờ hẹn hò với một gã ngốc sao? Tôi cho rằng tất cả là do suy nghĩ “lạc hậu” của Mẹ. Mẹ là một bà mẹ nghiêm khắc, “một bà mẹ già” không chịu hiểu thế giới ngày nay.

Gần hết năm đầu tiên được phép hẹn hò, tôi gặp anh, một chàng trai tuyệt vời. Ba mẹ tôi thích anh ấy ngay lập tức mặc dù tôi vẫn thấy sự lo âu hiện lên trên gương mặt bà. Mẹ có bao giờ tin tôi không? Bạn trai tôi và tôi đã yêu nhau bền bỉ suốt một năm. Và tôi vào cao đẳng. Những ai đã từng trải qua mối tình đầu và rồi phải đột ngột xa nhau đều hiểu cơ hội được ở gần nhau gần như là không thể. Khi chúng tôi chia tay, trái tim tôi tan nát. Tôi gần như sụp đổ. Đứa – con – gái – mười – tám – tuổi – biết – tất – cả đột nhiên không biết mình phải làm gì. Tôi chợt chạy đến bên “Mẹ” và khóc trên vai bà như một đứa trẻ.
Mẹ có lên lớp tôi không? Mẹ có nói, “Mẹ đã nói với con rồi” hay không? Không một lời nào. Thay vào đó, mẹ ngủ cùng tôi, nắm tay tôi và thậm chí còn hôn trán tôi như khi tôi còn bé. Mẹ không bao giờ khiến tôi cảm thấy mình ngu ngốc hoặc xấu hổ. Mẹ lắng nghe câu chuyện buồn của tôi, lặng nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Một thời gian sau, dù có khá hơn một chút, nhưng tôi vẫn rất lúng túng và vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi đã rất tức giận, và tôi bộc bạch với Mẹ những lo lắng của mình. Tôi ngạc nhiên với giọng điệu của mình – nó thật cay nghiệt. Tôi không còn quá tin tưởng vào ai đó và cũng không còn khờ khạo; tôi thấy mình già đi và mệt mỏi hơn.

Mẹ nhẹ nhàng giải thích lý lo vì sao bà đã quá lo lắng suốt thời gian yêu đương của tôi, bà mở lòng với tôi như thể bà chưa bao giờ mở lòng với ai trước đây. Mẹ đã luôn luôn quá thận trọng chia sẻ cảm xúc với tôi, đôi khi Mẹ khiến tôi phải tự hỏi liệu bà đã trải qua tuổi thiếu niên bao giờ chưa? Bây giờ Mẹ đang kể về mối tình đầu và bà đã cảm thấy như thế nào khi nó kết thúc. Trái tim bà cũng đã tan nát và bà cũng đã khóc suốt mấy tuần liền. Khi nói lời chia tay và mọi việc kết thúc, bà cũng đã cảm thấy tuyệt vọng như tôi. Mẹ nói rằng đến một lúc nào đó, nỗi đau rồi cũng biến mất, rồi nó sẽ thành một ký ức mờ nhạt. Mẹ quả quyết một ngày nào đó, tôi sẽ gặp người đàn ông mà tôi sẽ lấy làm chồng, và khi tôi nghĩ đến mối tình tan vỡ, tôi sẽ mỉm cười. Nỗi đau rồi sẽ bị quên đi và tôi sẽ chỉ còn nhớ đến tình yêu.

Tôi ngạc nhiên, sửng sốt và đột nhiên thấy an lòng. Ngạc nhiên vì Ba tôi không phải là mối tình đầu của Mẹ. Sửng sốt vì bà thật sự chia sẻ chuyện này với tôi. Và an lòng vì Mẹ tôi không chỉ là một người mẹ, mà còn là một người phụ nữ đã từng trải qua nỗi đau giống như tôi… và đã vượt qua. Kể từ đó, Mẹ là người bạn thân nhất của tôi.

Tôi chia sẻ mọi thử thách và khó khăn trong cuộc sống với Mẹ. Chuyện trường học, chuyện hẹn hò, chuyện nghề nghiệp và dĩ nhiên, nhiều chuyện buồn trong tình yêu hơn. Nhưng không có chuyện buồn nào có vẻ nghiêm trọng như lần đầu tiên. Tôi yêu cái cách gần gũi giữa Mẹ và tôi. Thậm chí những người bạn của tôi cũng nhận xét như vậy về tình cảm giữa hai mẹ con. Điều này khiến chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào.

Nhiều năm sau, vào một ngày kia, tôi đã gặp anh: người chồng tương lai của tôi. Điều đầu tiên tôi làm là gọi điện thoại cho Mẹ và kể cho bà nghe mọi thứ về anh ấy. Suốt buổi nói chuyện, Mẹ hỏi tôi có còn nhớ lần chia tay đầu tiên không. Tôi khúc khích cười, trả lời là có, và tự hỏi tại sao bà lại hỏi như thế.
Tôi có thể nghe thấy sự âu yếm trong lời nói của Mẹ khi bà hỏi tiếp, “Con có đang mỉm cười không?”

Cho dù con là ai, ta vẫn luôn yêu con

[WHOEVER YOU ARE, I LOVE YOU]
Jim O’Brien – Chicken soup for the soul

Lan Anh dịch [03.04.2010]


Những ngày này, tôi không bao giờ biết được mình sẽ là ai mỗi khi đến thăm Mẹ.

Mỗi ngày qua, hoặc thậm chí chỉ từ giây phút này sang giây phút khác, Mẹ lại gọi tôi là chồng, là anh rể yêu mến, là bà của Mẹ. Rồi trong những ngày bà khỏe, tôi chỉ là Jim, hoặc Jimmy, con trai bà. Đó cũng là những ngày vui của tôi.

Cả hai chúng tôi đều bối rối và chán nản. Mẹ không còn nhiều điều để nói với tôi nữa. Bà ngồi lặng thinh, còn tôi cố gợi ý bà nói điều gì đó. Bà cố tìm từ đúng, và bà biết điều mình muốn nói. Tôi hiểu điều đó khi nhìn vào đôi mắt xanh của bà, đôi mắt vẫn còn rất sáng, và tôi biết, Mẹ rất buồn khi sự nỗ lực của bà là vô ích.

Một ngày nọ, tôi hỏi bà, “Tại sao cháu gọi bà là Mẹ?”.

“Vì ta là bà của con,” bà nói.

“Thôi nào Mẹ,” tôi nài nỉ, “Tại sao cháu gọi bà là Mẹ?”

Bà nhìn tôi, thoáng chút bối rối và dò hỏi.

Điều này vượt khỏi tầm kiểm soát của bà. Cuối cùng, bà nói, “Cho dù con là ai, ta yêu con mà.”

Tôi luôn hiểu điều đó.

Mẹ của tôi, Mary O’Brien, đã phải ở trung tâm điều dưỡng suốt 5 năm qua. Sau vài lần bị ngã, bà không muốn đi nữa vì sợ mình sẽ lại ngã thêm lần nữa. Suốt từ đó, bà nằm trên giường hoặc ngồi xe lăn.

“Ta thích ở đây,” bà lặp đi lặp lại. “Như thế này là quá tốt với ta rồi. Ta luôn cố gắng hết mình. Nhưng ta đã già, và vô dụng. Tốt hơn con nên dừng lại đi.”

Đây là cảm giác chung giữa hai chúng tôi.

Bà giám đốc luôn hôn Mẹ mỗi khi gặp bà ngoài hành lang. “Bà cụ là một trong những người tôi quí nhất.”

Bà ấy bảo Mẹ hãy nói ra xem tôi là ai nào.

“Đó là Jim O’Brien, con trai tôi,” bà nói, giọng đầy tự hào.

“Thấy chưa, bà cụ biết mà,” bà giám đốc nói to. “Lâu nay bà cụ gạt anh đấy.”

Tôi đến thăm Mẹ vào đêm giao thừa, cũng là sinh nhật lần thứ 94 của Mẹ.Vợ tôi, Kathie, cũng đi cùng, chúng tôi mang cho bà cả quà sinh nhật lẫn quà Giáng Sinh. Hôm sau, tôi trở lại để xem người ta có mặc cho bà một trong những cái áo len mới mà tôi đã chọn cho bà hay không. Chiếc áo thêu những con chim hồng y đậu trên bờ rào trước nhà, giữa cánh đồng đầy tuyết.

Mái tóc bạc của mẹ tôi được chải gọn gàng. Bà đang ngồi trên xe lăn, nhìn bà thật đáng yêu trong bộ quần áo mới. Bà đang cười, trông bà minh mẫn hơn mọi khi. Bà đang xúc động. Tôi bắt đầu khóc.

“Có chuyện gì vậy con?” bà hỏi. Tôi đổ lỗi tại mùa Giáng Sinh bận rộn quá. Nét lo lắng hiện lên trên gương mặt bà. Một lần nữa, và cho dù trong khoảnh khắc nào đi chăng nữa, bà hoàn toàn là Mẹ của tôi.

Tôi đọc to thiệp sinh nhật và Giáng Sinh cho bà nghe. Tôi nhận ra tên của những người bà con và bạn bè. Tôi thật sự biết ơn họ. Cám ơn Chúa đã ban cho chúng tôi những con người như vậy.

“Chuyện gì đã xảy ra cho ta và tất cả những chuyện linh tinh mà ta đã từng biết?” Mẹ tôi hỏi, hơi khó chịu vì không nhớ được nhiều điều. “Ta là một kẻ thất bại. Ta có những điều mà ta nghĩ rằng ta đã biết. Ta yêu nơi này. Ta chỉ không thích con người của mình. Ta chẳng biết gì cả. Jimmy biết ta đã từng rất nghiêm khắc. Phải không, Jim?”

Tôi mỉm cười hạnh phúc vì bà nhận ra tôi.

Rồi bà nói thêm,”Ta rất may mắn khi có một người cha mà ta đã từng có.” Và khi tôi chuẩn bị ra về, bà nhìn tôi. “Cha ơi, con yêu cha.”